Friday, January 27, 2017

Năm Con Gà, Nói Chuyện Gà

Năm Con Gà, Nói Chuyện Gà


Năm Con Gà, nói chuyện Gà trong ngôn ngữ dân gian và trong văn thơ Việt Nam
Con gà, và đặc biệt là tiếng gà gáy là những hình ảnh và âm thanh thân thương quen thuộc ở nông thôn, làng xóm Việt Nam. "c.hó giữ nhà, gà gáy trống canh". Chính vì vậy người ta rất dễ tìm thấy hình ảnh con gà và tiếng gà gáy trong nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, cũng như trong văn thơ, có liên quan đến đặc tính của gà, xấu cũng có mà tốt cũng nhiều.
Con gà có một nhược điểm mà ngôn ngữ dân gian ghi nhận, chính là thị giác kém cỏi vào lúc trời chạng vạng tối: Quáng Gà. Ngoài ra loài gà thường mắc chứng bệnh sâu mắt làm hỏng thị giác, vì vậy nó bị gán thêm hai chữ gà mờ. Hai tiếng này thường được dùng theo nghĩa bóng, chỉ những kẻ thiếu hiểu biết trong một lãnh vực nào đó. Từ đó mới có thêm câu
ngây ngô như gà mờ, lờ mờ như đom đóm đực.

Ngoài ra, gà có dáng dấp ngơ ngác, lơ láo, nên người ta thường bảo ngơ ngác như gà con mất mẹ, gà mở cửa mả. Thành ngữ gà mở cửa mả là một lối nói đặc biệt của phương ngữ Nam bộ, được nhà tự điển Huỳnh Tịnh Của giải thích như sau: gà dùng mở cửa mả rồi thì khờ, không còn biết đàng nào mà đi.
Trong Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức (Lê ngọc Trụ hiệu đính) đã nói rõ hơn :
Con gà ôm từ nhà ra nghĩa địa rồi được thả ra giữa đông người, trước tiếng mỏ tiếng chuông và tiếng tụng kinh trong lễ mở cửa mả, nên khờ khạo ngơ ngác.
Tội nghiệp nhất là mấy chú gà con lạc mẹ, đã không tự kiếm ăn được mà còn bị đe dọa bởi sự xuất hiện của mấy con quạ, con diều hâu, vì thế nên có câu: sểnh nạ quạ tha, (nạ là mẹ).
Con gà, trong lúc tìm thức ăn, thường hay bới móc bừa bãi lung tung, nên có câu
vắng chủ nhà gà bới bếp, 
hay vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm

(Câu này bị tam sao thất bổn, nên có nhiều nơi nói là vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm).
Thành ngữ này thường được dùng để ám chỉ khi ông sếp (hay cha mẹ) đi vắng thì nhân viên (hay con cái) tha hồ làm gì thì làm.
Gà nhà bươi phá trong nhà đã đành, nhưng gà của hàng xóm mà vào bươi phá nhà mình mới là phiền. Vì vậy có câu trấu trong nhà để gà ai bới.
Phương tiện chính để kiếm ăn của gà là cặp giò. Nếu cặp giò mà có bề gì thì con gà đành nằm một chỗ, chỉ còn cái mỏ mổ bậy chung quanh, vì vậy có câu gà què ăn quẩn cối xay.
Riêng mấy chị gà mái, ngay sau khi đẻ trứng thì kêu lên inh ỏi, nên có câu gà đẻ gà cục tác, Câu này ám chỉ những hành động ngớ ngẩn dại dột cái kiểu lạy ông tui ở bụi này ...
Nhưng cũng có nhiều chị gà mái không hiền, nên mới có câu gà mái đá gà cồ. Nhiều người đã dí dỏm ghép chung với câu tiếng Hán nữ kê tác quái gà mái đá gà cồ. Mượn hình ảnh của một nữ quái kê để ám chỉ mấy mụ đàn bà có thói ăn hiếp đức ông chồng..
Trong khi con gà mái bị chê vì hành động lấn lướt đức lang quân, thì anh gà trống lại được khen về đức độ đảm đang và đùm bọc đám con cái, nên có câu gà trống nuôi con. Câu nói này để chỉ những người đàn ông góa vợ, mà vẫn một lòng tận tụy nuôi con.
Liên quan đến tiếng gáy, dân gian còn nhận xét rằng gà tức nhau tiếng gáy, câu nói này còn ám chỉ những ngưòi có tính hơn thua.
Gà một chuồng, có khi cùng một mẹ, có lúc bôi mặt đá nhau. Và cũng để tránh cảnh nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn, dân gian đã có lời khuyên khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Ngày xưa, mỗi khi muốn xin xỏ việc gì, người dân thường phải nhờ đến mấy ông thầy ký viết đơn hộ. Khi đơn viết xong, phải giết gà mà đãi ông ta. Vì vậy mới có câu bút sa gà chết. Câu này cũng nhắc nhở mọi người, trước khi quyết đinh điều gì phải cân nhắc kỹ lưõng, nhất là khi đặt bút xuống ký trên bất cứ giấy tờ gì.
Trong ngôn ngữ dân gian Việt Nam, con gà trống chưa bao giờ có đuợc hình ảnh kiêu kỳ, uy nghi như trong ngôn ngữ dân gian của Pháp, chẳng hạn như Fier comme un coq (kênh kiệu như con gà trống).
Người nông dân Pháp quan niệm rằng con gà trống là vua trong sân gia cầm (roi de la basse-cour), từ đó mà có lối nói ẩn dụ: être le coq du village (là nhân vật quan trọng nhất làng).
Người Anh cũng đã dùng danh từ con gà trống: the cock để ám chỉ ngưới cầm đầu, kẻ tai mắt. Đây là một cương vị mà con gà trống Việt Nam chưa có được.
Trong ngôn ngữ dân gian, dường như người ta chỉ vờ khen bộ lông con gà trống: con gà tốt mã vì lông để mà chê bai về một khả năng của giống đực khác; ....nhanh như gà.. !
Chỉ trong một số câu đố dân gian, thì anh gà trống mới được mô tả oai phong một chút :
Chân đạp miền thánh địa
Đầu đội mũ bình thiên
Mình thì bận áo mã tiên
Ban ngày bảy vợ, đêm nằm riêng kêu trời

Hoặc là :
Trên đầu đội sắc vua ban
Dưới thời yếm thắm, dây vàng xum xoe..

Con gà thì chẳng có gì hay ho lắm, tuy nhiên tiếng gáy của con gà lại mang nhiều biểu tượng, mà biểu tượng đặc biệt là về thời gian. Khi mà người ta còn tính thời gian đêm năm canh ngày sáu khắc, lúc mà chiếc đồng hồ vẫn còn là một cái gì xa lạ với dân gian, thì tiếng gà gáy là một cái gì thật quan trọng:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương.

Tiếng gà gáy thì vô tri vô thức, nhưng khi đưa vào văn thơ, đã trở thành một hiện tượng quan hệ mật thiết với con người. Trong văn học, tiếng gà cất lên giữa vui buồn chìm nổi, giữa thao thức trằn trọc của con người. Ta hãy nghe Nguyễn Du tả trong truyện Kiều :
Những là đo đắn ngược xuôi
Tiếng gà nghe gáy đã soi mái tường 
Lầu mai giữa lúc còi sương
Mã Sinh giục giã vội vàng ra đi

Lúc này Kiều đã bán mình chuộc cha, Mã Giám Sinh hối hả đưa Kiều về nhà chứa tú bà, để sau đó Kiều mắc mưu phải bỏ trốn theo Sở Khanh :
Tiếng gà xao xác gáy mau
Tiếng người đâu đã mé sau dây dàng
Nàng càng thổn thức gan vàng
Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào

Khi rơi vào tay của Hoạn thư, Kiều lại tìm đuờng bỏ trốn :
Mịt mù dặm cát đồi cây
Tiếng gà điểm nguyệt dấu giày cầu sương
Canh khuya thân gái dặm trường
Phần e đường sá phần e dãi dầu

Trong Chinh Phụ Ngâm, người chinh phụ đêm ngày nhớ thương trông ngóng chồng, năm canh trằn trọc:
Buồn rầu nói chẳng nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương
Gà eo óc gáy sương năm trốn
Hòe phất phơ rũ bóng bốn bên

Đến Thơ Mới thời 1932-1945, con người thường hiện ra bơ vơ, lạc loài, ngơ ngác giữa xã hội nhân quần , ta hãy nghe Huy Cận than thở:
Tới ngã ba sông nước bốn bề
Đến chiều gà lại gáy bên đê

Tiếng gà gáy ban đêm làm cho ngưới ta thêm ưu tư trằn trọc, xót thương cho thân phận cô đơn chiếc bóng của mình. Tiếng gà gáy buổi chiều càng thúc giục người ta trước một quyết định khó khăn nào đó. Nhưng tiếng gà gáy buổi trưa lại làm cho lòng dạ não nùng, da diết nhớ lại những kỷ niệm buồn từ một thời nào đó xa xăm. Nhà thơ Lưu Trọng Lư viết :
Những lần nắng mới hắt qua sông
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không

Tiếng gà cũng là biểu hiện của những cuộc chia tay. Lúc ấy tiếng gà lại là nỗi lo âu của những ngưới sắp phải nói lên lời từ biệt. Ta hãy nghe tiếng gà của Xuân Diệu trong bài thơ nỗi tiếng Lời Kỹ Nữ:
Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt,
Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi
Du khách đi
Du khách đã đi rồi

Và tiếng gà của Lưu Trọng Lư trong bài thơ Giang Hồ :
Mời anh cạn hết chén này
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn
Tiếng gà đã rộn trong thôn
Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay..

Khi tiếng gà gáy dồn dập, hối thúc, như tiếng đập cửa réo gọi giang hồ kiếp ấy trọn đời phiêu linh, và gỡ tay vướng để theo lời non nước. Vì vậy, với nhà cách mạng Phan Bội châu, tiếng gà chính là biểu tượng của thức tỉnh, của đấu tranh :
Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng
Đời đã mới, người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Xúm vai vào gánh vác cựu giang sơn

Trong kho tàng văn chương Việt Nam, tiếng gà gáy đã có một vị trí nhất định của nó. Và với mỗi một người trong chúng ta chắc chắn tiếng gà gáy cũng đã để lại trong lòng ít nhiều kỷ niệm. Riêng những người sống tha phương, đã bao nhiêu năm thiếu vắng tiếng gà trong đời sống, nếu có lần trở lại quê nhà, bất chợt nghe được tiếng gà gáy, sẽ cảm thấy lòng man mác bâng khuâng, nhớ lại một thời vui buồn nào đó. Tiếng gà, cuối cùng, cũng đã trở thành một biểu tượng của quê hương, của một mất mát, trong lòng những người Việt Nam xa xứ.
Thụy Nguyên
(phỏng theo tài liệu của Liễu Thy và Lê Đình Ky)

Nguồn: Ninh Hòa.com

No comments:

Post a Comment