NGƯỜI MINH HƯƠNG TẠI QUẢNG NAM
Năm 1664, sau khi thôn tính nhà Tây Minh, Mãn Thanh đặt ách thống trị khắc nghiệt lên dân tộc Trung Hoa, tìm mọi cách phá bỏcơ chế Minh Triều, nhất là nổ lực đồng hóa đời sống văn hóa cùng mọi sinh hoạt khác theo Thanh. Mãn Thanh không dùng quan tướng của Minh Triều mà còn chế tài họ hoặc trục xuất những người có ảnh hưởng tới nhân dân ra khỏi nước. Riêng tầng lớp giàu có, các thương gia, đại địa chủ thì bị sách nhiễu khó bề sống nổi. Hai thành phần này cùng một số sĩ phu yêu nước đành phải rời quê hương tìm đường tịnạn, hoặc tìm nơi tạm ẩn mình chờ cơ hội phục quốc...
Đó là những nguyên nhân chính thúc đẩy đưa số người Trung Hoa lưu lạc khắp nơi trên thế giới trong các thế kỷ trước.
Bấy giờ tại Quảng Nam, một tỉnh trù phú nằm ở trung phần Việt Nam, nhưng chưa được khai phá đúng mức. Thời điểm ấy (khoảng đâu thế kỷ thứ 14, có ba họ Tẩy, Ngô, Trương (tục gọi là Tam Gia, gồm ba gia đình, vì họa Mãn Thanh tìm đến tị nạn). Nguồn gốc ba họ này đều thuộc huyện Chiếu An, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Thoạt đầu, ba họ định cư tại làng Thanh Hà, Tổng Phù Triêm, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (cách Hội An khoảng 4 cây số) lấy việc buôn bán làm sinh kế.
- Họ Tẩy : Con cháu lần lượt xuống Hội An lập nghiệp. Cháu mười đời là Tẩy Huýnh, nay đã qua đời. Còn thì lưu lạc không rõ.
- Họ Ngô : Cháu 10 đời họ Ngô cư ngụ tại ấp Trường Lệ (Hồ Bá Thiên). Đến nay dòng họ này cũng thất tán.
- Họ Trương : Cháu 10 đời họ Trương, nay đang giữ phần hương hỏa tại tự đường "Trương Đôn Mục", tọa lạc đường Phan Châu Trinh Hội An (Trước kia là đường Minh Hương). Thủy tổ của họ này là ông Trương Hoằng Cơ.
Ngày nay, tại Hội An có hai nhà thờ tộc Trương: Trương Đôn Hậu và Trương Đôn Mục. Tông tộc của hai họ này tuy cùng sinh quán, cùng hoàn cảnh và chí hướng nhưng không cùng huyết thống.
Việc cựu thần Minh Triều và con cháu phải di tản các nơi, tuy về sau không rầm rộ như trước, song vẫn còn tiếp diễn đều.
Đến đầu thế kỷ XVIII (1700-1730), lúc này tại Việt Nam có nhiều biến cố quan trọng do chuyện tranh chấp quyền hành giữa Chúa Trịnh - Vua Lê ở Đàng Ngoài. Tại Bắc Hà, Vua Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh, sau đổi là Bảo (1720-1724), tuy làm vua nhưng quyền hành nằm trong tay Chúa Trịnh- tức An Đô Vương Trịnh Cương Thái (1709-1729) niên hiệu Hy Tổ Nhân Vương.
Nhằm lúc Bắc Hàn có loạn, cháu nội Nguyễn Phúc Tần là Tộ Quốc Công NGUYỄN PHÚC CHU (1691-1725) đương thời gọi là" Quốc Chúa", chỉ nghe lời khuyên của cận thần, một mặt tổ chức phòng chống Lê-Trịnh ở phía Bắc, một mặt tìm cách bành trướng về phía Nam, đánh Chiêm Thành, thôn tính Gia Định, Hà Tiên của Chân Lạp, mở rộng biên giới tới tận mũi Cà Mau, Tây Ninh. Đồng thời đặt nặng việc chọn nhân tài giúp nước bằng những khoa thi và vỗ về bá tánh phát triển nông thương nghiệp. Do đó, chú trọng việc mở mang các hải khẩu giao thương với bạn hàng các nước Nhật Bản, Xiêm La, Y Pha Nho, Bồ Đào Nha...,cho phép người nước ngoài được tạm cư tại các vùng đất mới mở mang, khiến cho mạng lưới nông nghiệp và thương nghiệp phát triển hơn trước. Thời điểm này, ngoại kiều - nhất là người Hoa - đến tạm cư rất đông. Trong số những người Hoa đến lần này có mười cụ gồm mười gia đình mang sáu họ và một hòa thượng có Pháp Danh Huệ Hường đến Quảng Nam. Một trong sáu họ đó có họ Trương (Trương Mậu Viễn) - Thủy tổ của dòng họ tác giả bài này. Năm họ còn lại là : Chu - Huỳnh - Khâm - Thuấn - Thái (di tích này hiện còn khắc trên văn bia ở chùa Phúc Kiến Hội An).
Lúc đầu, Thập Lão đến Quảng Nam bằng đường biển, vào Cửa Đại rồi ngược sông Thu Bồn, tạm cư tại làng Trà Kiệu thuộc huyện Duy Xuyên, lấy nghề buôn bán làm sinh kế như những đồng hương đến trước.
Sau một thời gian, Thập Lão thấy nơi đây có nhiều trở ngại cho việc buôn bán vì quá xa biển nên dời xuống Trà Nhiêu, Chợ Bà (cuối chợ Duy Xuyên) để tiện việc kinh doanh. Tại đây , Thập Lão xây một ngôi cổ tự thờ Quan Vân Trường một danh tướng thời Tam Quốc. Di tích Quan Thánh Miếu hiện vẫn còn.
Do vị trí địa dư giữa Chợ Bà và Thanh Hà và do các thành viên di tản từ Trung Hoa mang chung hoàn cảnh, có chung nghề nghiệp nên Thập Lão và Tam Gia có mối quan hệ rất mật thiết. Từ đó về sau, việc buôn bán ngày càng phát đạt nên Chợ Bà không còn thích ứng với nhu cầu phát triển ngành thương mại nữa khiến Thập Lão quyết định dời về Thanh Hà, phối hợp cùng Tam Gia khuếch trương cơ sở làm ăn một cách qui mô hơn.
Tại Thanh Hà, các vị tiền bối qua trước đã xây dựng một ngôi chùa lớn mang tên "Cẩm Hà Cung". Chùa được tạo dựng vào năm Bính Dần (1626) đời Hy Tông Hiếu Văn Hoàng Đế NGUYỄN PHÚC NGUYÊN. Tại đây, khi đã ổn đình sinh hoạt, Thập Lão trùng tu lại và đặt danh xưng "Cẩm Hải Nhị Cung" làm cơ sở kinh doanh chính với khách hàng các nước: Nhật, Y Nha Nho, Bồ Đào Nha, Trung Hoa...
Nhờ vào chính sách khôn ngoan, mềm dẽo và sáng suốt của các Chúa Nguyễn, nền kinh tế Miền Trung hồi ấy phát triển rất mạnh khiến cho viêc kinh doanh của Thập Lão ngày càng phát đạt. Mặt khác, cũng do bản chất của Thập Lão là thành phần có học, có tài sản mang theo khi đi di tản và nhất là họ thấm nhuần đạo lý nho gia nên cung cách giao tiếp của các thành viên trong Thập Lão được cư dân địa phương kính trọng khiến tình cảm của cư dân đối với Thập Lão ngày càng mặn nồng, mật thiết - đáng kể là đối với thị dân Hội An - cụ thể là Thập Lão được sự giúp đỡ nhiệt tình của các phú hộ, của chính quyền Hội An sau này, khi Thập Lão di chuyển lần cuối cùng xuống đinh cư tại Hội An.
Tại Hội An, chẳng bao lâu tập thể của những người Trung Hoa di tản đến xem như đó là quê hương chính của họ và qua đệ nhị Thế, Tổ Tiên họ Trương đã nhập Việt tịch. Ở thời điểm này, ngài Trương Thừa Kim là người đầu tiên "Người Việt gốc Hoa " được cử làm trưởng làng Minh Hương - làng tân lập.
A. THÀNH LẬP LÀNG MẠC - ĐÌNH CHÙA MIẾU VŨ
Như đã nói ở trên, càng về sau, Thanh Hà không còn thích nghi trước sự phát triển thương nghiệp nên Thập Lão quyết định thiên di về Hội An và định cư cho đến ngày nay. Lần thiên di này có tính cách đồng bộ nên Cẩm Hải Nhi Cung cũng được dời theo.
Nhờ Hội An gần Cửa Đại nên rất thuận tiện cho việc giao thương với các tàu buôn nước ngoài. Tại đây, các loại ghe bầu có thể qua Cửa Đại để đưa hàng đến tận Hôi An một cách dễ dàng, nhanh chóng. Hội An còn là nơi tiếp nhận các mặt hàng từ Tiên Sa Đà Nẵng do người Bồ Đào Nha và Y Pha Nho vận chuyển vào bằng lừa (lúc đó Đà Nẵng và cảng Đà Nẵng chưa phát triển).
Sau khi tiếp nhận hàng hóa các nơi đổ về Hội An, Hội An trở nên đầu mối phân phối đi khắp nơi trong tỉnh. Việc phân phối này cũng gặp những thuận tiện đáng kể nhờ những thủy lộ ngập nước hàng năm nên hàng có thể lên tận miền núi Duy Xuyên, Đại Lộc, Tiên Phước, Thăng Bình...
B. TÁI TẠO CẨM HÀ CUNG VÀ XÂY DỰNG LÀNG MINH HƯƠNG :
Ngay khi đặt chân đến Hội An, Tổ Tiên Minh Hương được sự giúp đỡ tích cực của Hòa Thượng HUỆ HƯỜNG (Ông là người họ Lương) và Ni Cô Diệu Thành (tức là Ngô Thị Lành). Nguyên bà là người Việt Nam, lấy chồng người gốc Hoa mang họ Trịnh. Chồng bà giàu có vào bậc nhất ở Hội An hồi ấy. Sau khi chồng chết, bà đi tu. Chính bà đã đem hiến cho Thập Lão một diện tích đất đai rộng lớn, chiếm khoảng một nữa đất đai thị xã Hội An (gồm 3 phường nội thị hiện nay) để lập làng Minh Hương, tái tạo "Cẩm Hải Nhị Cung" tức chùa Bà Mụ, dựng nhà thờ Tiền Hiền, xây Trùng Hán Cung (tức Chùa Ông) thờ Quan Vân Trường, Chùa Phật, Chùa Vân Chỉ...
Ngày nay, tư liệu thất lạc, khó tra cứu đất đai của làng Minh Hương lúc tạo dựng vì nó không phải là một dãi đất liên cư liên địa, phần thì nằm trung tâm thị xã, phần thì nằm kề ranh giới thị xã với các làng kế cận như Cẩm Phổ, Sơn Phong... lại có phần nằm trên nữa đất của thị xã, nữa trên làng kế cận! Tuy nhiên, các di tích quan trọng vẫn còn như phần đất từ Chùa Bà Mụ đổ xuống chùa Văn Chỉ là một trong những phần đất của làng Minh Hương liên địa ngày trước,hoặc từ nhà thờ Tiên Hiền Minh Hương đi ngược lên hết khuôn viên Chùa Ông ở đầu chợ Hội An cũng thuộc đất làng Minh Hương.
Công trình kiến tạo những đình chùa miếu vũ này của Tổ Tiên Minh Hương có tính cách qui mô như thế, không phải là không có nguyên nhân. Hồi ấy, các vị Tiên Hiền chưa có kế hoạch và cũng không tiên liệu sự phát triển Hội An nên e ngại với một số đất đai rộng như thế có thể sẽ bị chính quyền tước bớt nên các ngài nghỉ cách lập đình chùa, gọi là nơi thờ phụng - tín ngưỡng được nhà nước cho phép - để giữ đất !
Những vị lão trượng trong làng trước đây thường di ngôn như thế. Ngày nay, dựa vào các sự kiện ấy,chúng ta có thể chấp nhận là đúng, vì những đình chùa miếu vũ ấy không có quan hệ gì mật thiết với họ hàng Trương Gia cũng như với các họ hàng bạn ở địa phương này. Nó cũng chẳng phải là cứu cánh tạo cuộc sống cho dòng họ nào mà có tính cách chung cho làng, tiêu biểu lòng tín ngưỡng của nhân dân, điều mà không một chính quyền nào nỡ hủy diệt, sung công. Làng Minh Hương ra đời từ đấy tại Hội An. Danh xưng Minh Hương có nghĩa "Minh" là nhà Tây Minh chứ không phải là "Minh" là sáng, "Hương" là thơm chứ không phải "Hương" là làng,như nhiều người thường bảo "Minh Hương " là làng của người Minh tức là thuộc Minh Triều di tản sang Việt Nam - kể ra lối giải thích như thế cũng có lý vì đa số người ở làng Minh Hương là người có nguồn gốc từ các tỉnh bên Trung Quốc
Song song với việc lập làng Minh Hương, Chùa Bà Mụ được tái thiết đồ sộ do Tú Tài Trương Chí Thi đứng ra quyên góp, vẽ kiểu, đốc công làm lại cổng Tam quan lớn hơn và tồn tại đến ngày nay. Ngài Trương Chí Thi là đệ tam thế kể từ Thủy Tổ khai cơ Trương Mậu Viễn.
Chùa Bà Mụ gồm có hai chùa lớn, một vườn hoa và hai cổng hai bên. Cổng này trước đó rất hẹp không cân xứng với hai chùa trong. Năm Mậu Thân 1848 - thời Tự Đức - ngài Trương Chí Thi nới rộng ra. Chùa có lối kiến trúc của Trung Hoa nhưng hai cổng thì xây theo kiểu Nhật. Từ ngoài nhìn vào, sau khi qua cổng, chùa bên trái thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và 12 bà mụ, chùa bên phải thờ Bảo Sanh Đại Đế cùng Tam Thập Lục Tướng đời nhà Châu, nhà Thương được Phong Thần nên được gọi là chùa Ông Chú. Về sau, dân địa phương quen gọi hai chùa là chùa Bà Mụ nên lâu dần ít ai còn nhớ đến tên Cẩm Hải Nhị Cung hay chùa Ông Chú nữa !
Đối với Hội An nói riêng và tình Quảng Nam nói chung, Chùa Bà Mụ là ngôi chùa lớn nhất từ trước đến giữa thế kỷ 20 này. Đó là kỳ quan của tỉnh Quảng Nam, xây cất đầu tiên trên làng Minh Hương và được tôn xưng "Di Tích Liệt Hạng".
Dân Minh Hương tôn kính Cẩm Hải Cung - Chùa Bà Mụ - nên gọi là Tổ Đình. Về sau, chùa này trở thành nơi chiêm bái, thờ phụng của dân địa phương.
Từ khi có Tổ Đình, du khách thập phương, kể cả người nước ngoài, thường lui tới tham quan hoặc tìm tài liệu cho việc nghiên cứu khảo cổ, chụp ảnh lưu niệm...
Đến năm 1965, trải qua bao thế kỷ, nắng mưa tàn phá Tổ Đình, gây nhiều hư hỏng nặng nề, khó bề duy trì di tích néu không kịp thời đại tu. Vào thời điểm này, làng không đủ khả năng lo liệu,nên sau một buổi họp nhiều trưởng lão trong làng, các cụ đã đi đến quyết định hiến khu vực này cho Giáo Hội Phật Giáo Quảng Nam làm Trung Tâm Văn Hóa.
Hiện nay Chùa Bà Mụ chỉ còn hai cổng là nguyên vẹn, được chức quyền địa phương bảo quản và liệt vào hạng "Di Tích Lịch Sử" của thị xã Hội An. Còn tượng 12 Bà Mụ được chuyển đến thờ tại chùa Phúc Kiến - tức Kim Sơn Tự - Tượng Tam Thập Lục Tướng được ký gởi tại chùa Chúc Thánh (phía Bắc cách trung tâm thị xã chừng 2 cây số). Các tượng khắc được ký gởi thờ tại Chùa Âm Bổn (do người Triều Châu xây dựng, thờ Phục Tướng Quân Mã Viện).
C. XÂY DỰNG CÁC CHÙA MỚI :
a. Chùa Phật và Chùa Văn Chỉ : Tọa lạc trên đường Phan Châu Trinh ngày nay (trước là đường Minh Hương). Kể từ đường Hoàng Diệu đổ lên hướng đường Lê Lợi có Chùa Văn Chỉ, Chùa Phật đến miếu Quảng An. Chùa Văn Chỉ thờ Đức Khổng Tử. Miếu Quảng An nằm góc đường Phan Châu Trinh và kiệt ra giếng Bá Lễ (nơi này ông Phạm Phú Cần dùng làm nơi dạy hoc từ trước năm 1975) nay không còn là nơi để chiêm bái nữa.
Nguyên khuôn viên của hai Chùa này chiếm trọn cả một vùng khá rộng kể cả đường Minh Hương nhưng khi thực dân Pháp ổn định việc cai trị, chúng mở đường, qui hoạch thành phố khiến diện tích hai Chùa này bị phân cắt, đến nay chỉ còn lại di tích Chùa Văn Chỉ (bị bỏ hoang phế). Riêng Chùa Phật, Hòa Thượng Huệ Hường dời về phía sau khuôn viên Chùa Ông (tức Trùng Hán Cung). Chùa này được đổi tên là Minh Hương Phật Tự và cuối cùng lấy tên Chùa Quan Âm. (Hiện nay Ban Quản Lý Di Tích Hội An trưng dụng làm Nhà Bảo Tàng Lịch Sử Đô Thi Cổ). Chính nơi đây, Hòa Thượng Huệ Hường viên tịch năm 1848 và được chôn ngay tại khu đất trước mặt Chùa Ông (chỗ giếng nước đầu chợ Hội An). Về sau, hài cốt của Hòa Thượng được cải táng đưa đến chôn tại Chùa Chúc Thánh. Còn Ni Cô Diệu Thành, khi qua đời được dân làng chôn bà tại khu đất phía hông Nhà Thờ Đạo Thiên Chúa bên kia đường Lê Hồng Phong ngày nay. Năm 1976, theo qui hoạch của chính quyền mới, hài cốt bà được đưa về chôn tại Chùa Chúc Thánh.
b. Trùng Hán Cung và nhà thờ tiên hiền Minh Hương:
Hai cơ sở này chiếm một vùng đất rộng kéo dài từ đường Hoàng Diệu đến chợ Hội An. Trùng Hán Cung - tức Chùa Ông - được thành lập nên từ năm 1653, kiến trúc theo kiểu Trung Hoa, bên trong thờ tượng Quan Vân Trường đời Hán, oai nghiêm giữa điện thờ. Tả hữu có tượng Châu Thương, Quan Bình đứng đối diện trong lồng kính lớn. Tương truyền Chùa Ông rất đông. Tiếp với Chùa Ông là nhà thờ Tiên Hiền làng Minh Hương. Đây là nơi thờ phượng các vị sáng lập hoặc những vị có công lớn trong việc tạo làng Minh Hương. Khuôn đất này , trước kia một phần của làng Minh Hương và một phần của làng Cổ Trai được sát nhập vào. Nguyên làng Cổ Trai cũng có nhà thờ Tiên Hiền tại đấy nhưng diện tích nhà thờ làng Cổ Trai hẹp hơn và dân làng chỉ có 12 hộ, thiếu người phụng tự. Do đó, các chức sắc làng Cổ Trai tình nguyện giao đất và nhà thờ cho làng Minh Hương sử dụng với sự yêu cầu hàng năm làng Minh Hương giúp đỡ cho họ trong việc kỵ giỗ Tiên Hiền. Còn đất đai của làng Cổ Trai cũng được các nhà chức sắc của làng đem hiến cho các làng kế cận như Sơn Phong, Cẩm Phô và tự xóa tên làng từ đấy.
Thời gian đầu, hằng năm làng Minh Hương vẫn giữ lệ giúp làng Cổ Trai như đã giao ước trước kia nhưng mãi về sau, càng phai lạt và chẳng mấy thế hệ kế thừa sự giúp đỡ ấy.
Sau năm 1975, nhà thờ Tiên Hiền làng Minh Hương được chính quyền địa phương sử dụng làm nơi chiếu phim và quán cà phê. Đến năm 1992 thì giao trả lại cho những vị đại diện làng để trùng tu, tái tạo lại, làm nơi thờ phụng các tiên linh của làng.
(1) Có người lại cho rằng tập thể những người di tản từ Trung Quốc sang muốn qui tụ lại thành làng và đặt tên làng Minh Hương để nhắc nhở con cháu sau này biết rõ nguồn gốc ông bà mình là người thuộc Minh triều di cư sang lập nghiệp mặc dầu càng về sau, con cháu họ đều nhâp Việt tịch và gần như 90% không biết gì về nguồn gốc của mình là từ Trung Quốc, không nói được tiếng Tàu và gần như đồng hóa với người Việt trong mọi sinh hoạt.
TRƯƠNG DUY CƯỜNG
(Viết theo Gia Phả họ Trương Đôn Hậu)
(Viết theo Gia Phả họ Trương Đôn Hậu)